Những ‘chiến sĩ’ thầm lặng trong cuộc chiến với COVID-19

Trong cuộc chiến với đại dịch Coivd-19, những bác sĩ, nhân viên của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương như những chiếc sĩ thầm lặng. Ngày ngày, hàng nghìn mẫu bệnh phẩm được gửi về xét nghiệm, các y bác sĩ phải làm việc cật lực trong môi trường nguy cơ nhiễm bệnh với tinh thần hết sức với công việc và trách nhiệm với cộng đồng.

“Thành lũy tiên phong” chống dịch bệnh

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương – National Institute of Hygiene and Epidemiology (NIHE) là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Bộ Y tế. Là Viện quốc gia trong lĩnh vực y tế dự phòng, phòng, chống dịch bệnh (bao gồm các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm và các vấn đề y tế công cộng khác), nơi đây là tuyến đầu xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nghi nhiễm.

Thời gian vừa qua, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tham gia triển khai tích cực các hoạt động phòng chống dịch bệnh COVID – 19 theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 và chỉ đạo của Bộ Y tế. Cho đến nay, Viện đã thực hiện xét nghiệm nhiều ca nghi nghiễm vi rút SARS-CoV-2 và các tác nhân gây viêm đường hô hấp khác góp phần phát hiện sớm, chủ động ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh COVID-19.

Các phòng thí nghiệm chuẩn thức hiện nay tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang thực hiện xét nghiệm chẩn đoán khẳng định, phân lập nuôi cấy vi rút, giải trình tự gen vi rút SARS-CoV-2 theo quy trình khuyến cáo đã được Tổ chức Y tế thế giới thẩm định, đánh giá đạt tiêu chuẩn phục vụ các hoạt động phòng chống dịch bệnh cũng như các nghiên cứu chuyên sâu. Viện đào tạo hướng dẫn xét nghiệm Covid, giám dát dịch tễ, xử lý ổ dịch cho toàn bộ trung tâm kiểm soát dịch bệnh phía bắc( CDC). Các bệnh viên trung ương như: Bệnh viện Bạch mai, Viện Lâm sàng nhiệt đới trung ương, Viện lao phổi trung ương, Đại học y Hà nội …

Lãnh đạo, y bác sĩ của viện luôn trong ở trên tuyến đầu phòng chống dịch. PGS.TS Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương là Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ Hà Nội dập ổ dịch thôn Hạ Lôi (Mê Linh- Hà Nội) luôn có mặt ở những “điểm nóng” dịch bệnh.

Tại phòng xét nghiệm cúm (Khoa Virus), các y bác sĩ đã nghiên cứu, nuôi cấy và phân lập thành công virus SARS-CoV-2 và cũng là nơi xét nghiệm cho các ca nghi nghiễm Covid-19 đầu tiên ở nước ta. Phòng có 12 y bác sĩ nhưng có tới 9 người là nữ. Dù là tập thể nữ bác sĩ đã nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2019 vì những đóng góp trong nghiên cứu dịch tễ các virus gây đại dịch ở Việt Nam.

Thạc sĩ Nguyễn Phương Anh, nghiên cứu viên phòng thí nghiệm Cúm cho biết, tập thể có 12 thành viên nhưng có tới 9 người là nữ đã lập gia đình, nếu không có sự hâu thuẫn của gia đình thì rất khó để hoàn thành công việc. Việc nuôi cấy virus như việc chăm sóc một “em bé” đặc biệt, cần mẫn mỗi ngày qua các thế hệ y bác sĩ. Chúng tôi nuôi cấy virus hơn chục năm để nghiên cứu trên con đường tìm ra vacxin đặc trị.

“Ngày đầu tiên tôi đi làm vào mùng 6 tết. Khoảng 11h trưa cùng ngày có kết quả dương tính của virus. Mọi người chết lặng, nguy hiểm vì có trường hợp dương tính. Chúng tôi cảm thấy bỡ ngỡ khi miền bắc có ca dương tính và có các ca tiếp theo và xác định, cuộc chiến của chúng tôi bắt đầu. Chúng tôi luôn tạo áp lực với bản thân để có những kết quả chính xác và nhanh chóng nhất”, chị Phương Anh tâm sự.

Với bề dày truyền thống hơn 70 năm và quá trình phát triển qua các thời kỳ từ Viện Vi trùng học Việt Nam được thành lập theo Sắc lệnh số 41 ngày 03/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay, Viện luôn tiên phong và đóng góp không nhỏ vào việc khống chế và loại trừ bệnh dịch truyền nhiễm tại Việt Nam. Từ việc phòng chống bệnh dịch thường xuyên xảy ra trong bối cảnh các cơ sở y tế dự phòng (YTDP) từ tuyến tỉnh tới xã phường chưa hình thành/chưa hoạt động sau năm 1975 như bệnh Tả, bệnh Viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết… tới các bệnh truyền nhiễm mới, nguy hiểm như dịch SARS, MERS-CoV; dịch Cúm gia cầm trên người, đại dịch Cúm A/H1N1/09, Ebola…

Những tấm lòng chung tay chống dịch

Để hỗ trợ NIHE trong cuộc chiến chống dịch, hàng loạt đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp cá nhân cùng chung tay hỗ trợ, đóng góp. Tiêu biểu như ngày 21/4, Văn phòng đại diện Đại học quản trị Paris Pháp (PGSM) tại Việt Nam đã phát động chương trình “PGSM – nối vòng tay lớn, chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19” gây quỹ ủng hộ phục vụ phòng chống dịch tại Viện dịch tễ trung ương. Sau 2 tuần phát động, chương trình nhận được sự chung tay của cộng đồng học viên thạc sĩ PGSM trên toàn quốc từ khắp các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM…

“Thành công của chương trình không nằm ở giá trị vật chất mà là giá trị nhân văn, lòng yêu nước, tinh thần sẻ chia. Chúng tôi chung tay, góp phần nhỏ bé cùng đội ngũ y bác sĩ – những người ở tuyến đầu chiến đấu với dịch bệnh, phải gác lại tình thân và giây phút quây quần bên gia đình để trực chiến, chăm sóc người nhiễm và nghi nhiễm Covid-19”, bà Phạm Thị Thu Hằng, đại diện PGSM Việt Nam chia sẻ.

Viện đã thực hiện gần 2.000 đề tài nghiên cứu khoa học trong đó có nhiều đề tài trọng điểm cấp Nhà nước. Nhiều công trình đã được đăng tải trên các Tạp chí khoa học và công nghệ có uy tín trong và ngoài nước, đã giành được những giải thưởng cao về khoa học và kỹ thuật. Các kết quả nghiên cứu khoa học của Viện đã được ứng dụng vào thực tế.

Nguồn:https://tienphong.vn/nhung-chien-si-tham-lang-trong-cuoc-chien-voi-covid-19-post1233876.tpo

.
.
.

Tìm kiếm