- Đặt vấn đề
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh và phương pháp quản trị dựa trên nền tảng công nghệ [1]. Trong môi trường như vậy, các doanh nghiệp chỉ có thể đạt hiệu quả dựa trên cơ sở quá trình tiếp nhận và đổi mới liên tục, hơn hết là phương thức quản lý của nhà lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy các doanh nghiệp thay đổi trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0.
- Khái niệm về phong cách lãnh đạo
Phong cách lãnh đạo là một phương thức hay cách tiếp cận của một nhà lãnh đạo đối với cấp dưới của mình, thông qua việc đề ra những phương hướng, thực hiện các kế hoạch, mục tiêu và tạo nguồn động lực cho nhân viên. Dưới góc nhìn của cấp dưới, phong cách lãnh đạo thường được thể hiện thông qua những hành động mang tính chất rõ ràng hoặc ngầm ý từ lãnh đạo của họ. Các phong cách lãnh đạo thường sẽ đa dạng. Chúng phụ thuộc nhiều vào tính chất của ngành nghề, lĩnh vực của công việc và những môi trường hoạt động sản xuất, kinh doanh khác nhau. Tuy nhiên, về bản chất, phong cách lãnh đạo đều được xây dựng thông qua nhận thức, đạo đức và phẩm chất của mỗi người sao cho phù hợp nhất với các chuẩn mực của xã hội và trở thành nguồn động lực cho sự phát triển của toàn xã hội.
- Các loại phong cách lãnh đạo nổi bật trong môi trường doanh nghiệp
3.1. Phong cách lãnh đạo độc đoán
Phong cách lãnh đạo độc đoán thể hiện ở chỗ khi nhà lãnh đạo đưa ra một ý kiến nào đó thì bắt buộc nhân viên hay cấp dưới phải thực hiện theo như họ đã đưa ra. Nhân viên sẽ không có bất kỳ một lời khuyên, sự tư vấn hoặc lời góp ý nào từ nhà lãnh đạo. Phong cách này thường được áp dụng đối với các nhà lãnh đạo có kỹ năng, trình độ chuyên môn cao và họ đã nắm chắc được thành công khi nhân viên thực hiện theo đúng ý mình hoặc họ nhận thấy nhân viên có đủ động lực làm việc. Phong cách lãnh đạo độc đoán giúp cho cấp dưới có thể nhìn thẳng được vào vấn đề. Từ đó đưa ra các hướng giải quyết nhanh chóng và hiệu qủa, hạn chế xảy ra mâu thuẫn trong nội bộ nhân viên, tạo môi trường làm việc nghiêm túc và rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều khi cấp dưới cũng sẽ cảm thấy khó chịu và bị gò bó và áp lực. Nhân viên thường sẽ làm việc theo kiểu thụ động và hạn chế về sự sáng tạo, độc lập của mình trong công việc.
3.2. Phong cách lãnh đạo dân chủ
Đây là một phong cách lãnh đạo phổ biến của các nhà lãnh đạo. Nó thể hiện ở chỗ các nhà lãnh đạo cho phép nhân viên tham gia vào quá trình đóng góp ý kiến và đưa ra quyết định trước một vấn đề nào đó. Nhân viên sẽ cùng với nhà lãnh đạo phân tích và xác định những việc cần thiết thực hiện và cách thức thực hiện cụ thể ra sao. Mặc dù ý kiến đóng góp được nhận từ cấp dưới nhưng nhà lãnh đạo sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng. Cách lãnh đạo này cho thấy nhà lãnh đạo nhận được sự tôn trọng từ phía cấp dưới của mình. Phong cách lãnh đạo dân chủ sẽ mang tới động lực tốt hơn cho nhân viên làm việc, giúp xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa nhà lãnh đạo với nhân viên. Đồng thời, phong cách lãnh đạo này giúp nhân viên chủ động, sáng tạo hơn trong công việc. Từ đó, nó sẽ giải quyết vấn đề được nhanh chóng nhất thông qua các cuộc thảo luận, lấy ý kiến số đông. Mặc dù vậy, nếu như nhà lãnh đạo không quyết đoán thì thường sẽ khó đưa ra định hướng cũng như quyết định đúng đắn nhất. Nói cách khác, điều này sẽ dẫn tới việc các quyết định bị sai lệch và chậm tiến độ sản xuất, kinh doanh.
3.3. Phong cách lãnh đạo tự do
Phong cách lãnh đạo tự do thể hiện ở chỗ nhà lãnh đạo sẽ ủy thác vấn đề nào đó cho nhân viên cấp dưới của mình. Khi đó, nhân viên sẽ có quyền quyết định trước một vấn đề. Khi rủi ro xảy ra nhân viên sẽ không phải chịu trách nhiệm và nhà lãnh đạo sẽ là người phải chịu trách nhiệm về các rủi ro đó. Phong cách lãnh đạo này được sử dụng đối với tình huống nhà lãnh đạo có quá nhiều vấn đề cần được giải quyết. Đồng thời, họ tin tưởng vào khả năng nhận định và phân tích vấn đề của cấp dưới có khả năng giải quyết những vấn đề đó. Với phong cách lãnh đạo này, mức độ tin tưởng vào năng lực giải quyết vấn đề của cấp dưới phải ở mức đủ lớn nếu không hậu quả và mức độ rủi ro sẽ rất cao. Điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của nhà lãnh đạo nói riêng và doanh nghiệp nói chung.
3.4. Phong cách lãnh đạo chuyển đổi
Để theo đuổi phong cách lãnh đạo chuyển đổi trong thời đại mới, nhà lãnh đạo cần đáp ứng một số tiêu chí sau: vạch ra một tầm nhìn đầy cảm hứng về tương lai, thúc đẩy mọi người đóng góp ý tưởng và phân phối tầm nhìn, quản lý phân phối tầm nhìn, xây dựng mối quan hệ bền vững dựa trên niềm tin của cộng sự với người lãnh đạo. Một trong số ưu điểm chính của phong cách lãnh đạo này là khả năng thúc đẩy, truyền cảm hứng cho mỗi thành viên trong tổ chức vì họ luôn mong đợi những điều tốt đẹp đến từ sự kết nối với nhà lãnh đạo của họ. Các nhà lãnh đạo chuyển đổi được đánh giá là người có giao tiếp tốt, trí tuệ thông thái và nhạy bén về cảm xúc. Điều này dẫn đến năng suất cao trong công việc, thu hút sự tham gia và đồng hành cùng nhau khám phá, thực hiện chiến lược sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Khả năng lãnh đạo chuyển đổi đã giúp cải thiện mức độ hạnh phúc giữa các thành viên trong tổ chức. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo thuộc phong cách lãnh đạo chuyển đổi cần phải điều chỉnh cách tiếp cận của mình để phù hợp với tình huống khó khăn, ví dụ như khi cấp dưới bất hợp tác trong việc xây dựng tầm nhìn, chiến lược cho doanh nghiệp.
- Các yếu tố ảnh hưởng đến phong cách lãnh đạo của nhà lãnh đạo doanh nghiệp
- Hoàn cảnh lịch sử về môi trường công tác
Đây chính là yếu tố đầu tiên tác động tới phong cách lãnh đạo. Phần lớn các nhà lãnh đạo sẽ thường áp dụng phong cách làm việc tại môi trường làm việc trước đó vào môi trường làm việc hiện tại. Vì khi họ làm việc tại môi trường trước đó đã tạo cho họ những thói quen về nghề nghiệp cũng như văn hóa tổ chức và điều này rất khó thay đổi.
Môi trường đào tạo
Nếu như được làm việc trong một môi trường tốt và có tính kỷ luật cao nhưng mọi việc lại mang tính chất dân chủ hoặc tự do hoặc độc đoán thì nhà lãnh đạo thường sẽ mang phong cách lãnh đạo đó. Bởi vì họ đã có một khoảng thời gian dài tiếp xúc trong môi trường đào tạo như vậy nên nó sẽ góp phần vào việc tạo nên phong cách của các nhà lãnh đạo. Điều này cũng sẽ gây ảnh hưởng đến việc đào tạo và phát triển đội ngũ cấp dưới của doanh nghiệp.
- Tâm lý của nhà lãnh đạo
Tâm lý của nhà lãnh đạo cũng là một yếu tố quan trọng tác động tới phong cách lãnh đạo. Phần lớn mọi người khi mới bắt đầu với công việc đều có phần e ngại và chưa dám bộc lộ hết phong cách lãnh đạo của mình trước tập thể. Tuy nhiên, sau một thời gian dài làm việc, mọi việc tiến triển tốt đẹp thì họ mới thể hiện hết phong cách lãnh đạo của mình.
- Trình độ và năng lực của nhà lãnh đạo
Tùy thuộc vào trình độ và năng lực của mình mà các nhà lãnh đạo sẽ chọn cho mình một phong cách lãnh đạo khác nhau [2]. Ví dụ, đối với những người có năng lực điều hành cao, trình độ chuyên môn tốt thường sẽ chọn cho mình phong cách lãnh đạo độc đoán và quyết liệt nhằm mang tới hiệu quả công việc nhanh chóng. Ngược lại, đối với những nhà lãnh đạo không có kỹ năng chuyên môn tốt, họ sẽ không dám tự đưa ra quyết định quan trọng trong công việc. Do đó, họ thường phải tham khảo thêm ý kiến của cấp dưới. Vì vậy, những nhà lãnh đạo này thường mang phong cách lãnh đạo tự do hoặc dân chủ.
- Phong cách lãnh đạo truyền thống và phong cách lãnh đạo của nhà quản trị doanh nghiệp thời đại 4.0
Nhà lãnh đạo truyền thống với xu hướng “đẩy” nhiều hơn “kéo”, phương thức lãnh đạo của nhà lãnh đạo khá tiêu cực, thường đi đôi với “khẩu lệnh – chỉ đạo – bảo thủ”. Trong khi đó, nhà lãnh đạo 4.0 sẽ truyền cảm hứng, xóa bỏ khoảng cách cấp trên – cấp dưới, thấu hiểu nhân viên, chia sẻ thông tin, luôn tìm cơ hội truyền đạt, thúc đẩy việc thảo luận, bàn bạc giữa các thành viên trong tổ chức.
Lãnh đạo thời đại 4.0 với lối tiếp cận con người thông qua việc trao đổi, đồng cảm với cấp dưới, khuyến khích, động viên, nâng cao tinh thần và ý thức làm việc của nhân viên nhằm đi đến mục tiêu chung của tổ chức. Thêm vào đó, nhà lãnh đạo truyền thống thường chỉ tập trung vào vấn đề trước mắt, mang tính ngắn hạn với tư tưởng an phận, trung thành với thực tại, khá ngại thử nghiệm điều mới, sợ thất bại cũng như thiếu tự tin khi đề xuất những cải tiến. Trái với phong cách của nhà lãnh đạo truyền thống, nhà lãnh đạo hiện đại hứng thú với các xu hướng mới cập nhật, tập trung vào tương lai, phát triển đường dài và hướng tới kết quả và sự phát triển liên tục. Họ thường quan tâm đến những vấn đề liên quan đến ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thao tác quản lý sản xuất cũng như việc quản lý con người, coi việc đầu tư và giáo dục con người làm trọng tâm. Hơn nữa, nhà lãnh đạo thời đại 4.0 hiểu những giá trị được tạo ra dưới sự hỗ trợ của công nghệ thông tin góp phần không nhỏ vào sự phát triển bền vững, lâu dài của tổ chức, giảm thiểu chi phí vận hành và tối đa chi phí nhân sự.
Hơn nữa, nhà lãnh đạo truyền thống thường quy trách nhiệm và vai trò theo nhóm. Điều này dễ dẫn đến hiềm khích và xung đột trong nội bộ doanh nghiệp. Trong khi đó, nhà lãnh đạo hiện đại thường cố gắng phân bổ trách nhiệm và nhiệm vụ phù hợp với năng lực của từng nhân viên trên tư tưởng thành công đến từ sự nỗ lực của tập thể. Có như vậy, nhà lãnh đạo đó mới xây dựng được một tập thể vững mạnh và đoàn kết. Trên thực tế, nhà lãnh đạo truyền thống thường cảm thấy áp lực và lo lắng khi phải đề xuất một ý tưởng mới cho tổ chức. Điều này cho thấy năng lực chuyên môn cũng như kĩ năng lãnh đạo của họ còn yếu, chưa đủ tự tin để thuyết phục cấp dưới triển khai công việc theo đề xuất của họ. Đối với lãnh đạo thời đại 4.0, họ là người luôn đề xuất những ý tưởng mang tính đột phá, mang lại nhiều lợi ích cho tổ chức. Nhà lãnh đạo hiện đại sẽ phân bổ tầm nhìn và chiến lược theo một chiến thuật đã được vạch ra rõ ràng [3]. Thêm nữa, nhà lãnh đạo truyền thống thường gặp khó khăn khi phải sắp xếp lại những quy tắc, điều lệ cũ. Ngược lại, nhà lãnh đạo hiện đại không ngừng cải tiến, học hỏi và sáng tạo nhằm đưa ra những thay đổi lớn, có khả năng mang tới ảnh hưởng tích cực cho doanh nghiệp của họ.
- Kết luận
Như vậy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải là những chuyên gia vừa vững về kiến thức chuyên môn, vừa phải có năng lực tư duy sáng tạo, đổi mới, có kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin, có khả năng làm việc độc lập và ra quyết định trên cơ sở phân tích các chứng cứ và dữ liệu. Để kiến tạo nên sự vượt trội trong quá trình làm việc, nhà lãnh đạo hiện đại cần đổi mới và có phong cách lãnh đạo chuyên biệt để tạo tiền đề đưa doanh nghiệp của mình hội nhập chung vào xu thế toàn cầu, chèo lái doanh nghiệp đi đến thành công.
(Theo: Tạp Chí Công Thương)