Marketing nội bộ (Internal Marketing): là một quá trình diễn ra liên tục, bao gồm một chuỗi các hoạt động và phải có sự tham gia của tất cả mọi người trong tổ chức, nhờ đó các nhân viên nắm bắt được rõ mục tiêu, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp và họ sẽ thực hiện công việc của mình một cách tốt nhất.
1. Khái niệm marketing nội bộ
Marketing nội bộ thực chất là việc nhà quản trị marketing phát triển một chiến dịch marketing dài hạn hướng tới thị trường nội bộ trong doanh nghiệp, chiến dịch này có sự tương đồng và phù hợp với chương trình marketing nhắm tới thị trường bên ngoài gồm các khách hàng và các đối thủ cạnh tranh của công ty.
Marketing nội bộ (Internal Marketing – IM)) lần đầu tiên được định nghĩa bởi Berry et. al. vào năm 1976. Ông nhận thấy những hành động của người giao hàng có thể ảnh hưởngđếncảmnhận của khách hàng đối với sản phẩm. Công việc của các nhân viên vì thế cũng có thể được coi là sản phẩm của doanh nghiệp. Berry tiếp cận marketing nội bộ như marketing thông thường và ông xây dựng nó theo 4P. Mục tiêu của Berry là sử dụng các kênh giao tiếp nội bộ và việc thăng chức cho nhân viên để họ cảm thấy thỏa mãn và hăng say làm việc. Sự thỏa mãn của nhân viên có thể dẫn đến sự thỏa mãn của các khách hàng, từ đó xây dựng sự trung thành với doanh nghiệp. Berry khẳng định IM là một quá trình thu hút, phát triển, tạo động lực và giữ gìn những nhân viên có chất lượng thông qua thỏa mãn nhu cầu của họ.
Từ đó đến nay, quan niệm và khái niệm về marketing nội bộ cũng đã có những thay đổi theo thời gian. Năm 1980: “Marketing nội bộ có nghĩa là áp dụng các nguyên lý và phương pháp của marketing đến các nhân viên, những người phục vụ các khách hàng của doanh nghiệp. Những nhân viên tốt nhất sẽ được tuyển dụng, sử dụng và họ có thể thể hiện tốt nhất năng lực của mình” (The Foundation Of Internal Marketing, 1993); Năm 1981: “Mục tiêu của marketing nội bộ là khuyến khích nhân viên, xây dựng đội ngũ nhân viên quan tâm đến khách hàng” (Gronroos); Năm 1990: “Marketing nội bộ là quá trình khuyến khích nhân viên chấp nhận những thay đổi trong chính sách hay triết lý kinh doanh của công ty” (Reardon và Enis); Năm 1998: “Marketing nội bộ là những hoạt động làm nâng cao hoạt động giao tiếp trong doanh nghiệp, nâng cao sự quan tâm đến khách hàng của nhân viên, và có sự kết nối giữa các hoạt động này và biểu hiện trên thị trường của doanh nghiệp” (Hogg, Carter và Dunnie);
Năm 2000: “Marketing nội bộ là chiến lược phát triển mối quan hệ giữa các nhân viên trong nội bộ tổ chức. Khi áp dụng chiến lược này, nhân viên có những quyền hạn nhất định và họ biết cách kết hợp để tạo ra và lưu hành những nhận thức mới về tổ chức. Những nhận thức mới này sẽ tạo nên thách thức đối với những hoạt động nội bộ cần phải được thay đổi để thích ứng với chất lượng của những mối liên hệ trên thị trường” (Ballantyne).
Từ các khái niệm trên ta có thể rút ra được kết luận: Marketing nội bộ là một quá trình diễn ra liên tục, bao gồm một chuỗi các hoạt động và phải có sự tham gia của tất cả mọi người trong tổ chức, nhờ đó các nhân viên nắm bắt được rõ mục tiêu, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp và họ sẽ thực hiện công việc của mình một cách tốt nhất.
2. Vai trò của marketing nội bộ
Các tổ chức doanh nghiệp ngày càng coi trọng và đầu tư cho hoạt động IM. Vậy, chắc chắn IM có vai trò, tầm quan trọng trong các tổ chức, doanh nghiệp. Vai trò của IM cụ thể như sau:
Thứ nhất, xây dựng văn hóa và củng cố giá trị của tổ chức, doanh nghiệp.
Mục đích quan trọng nhất của marketing nội bộ chính là tạo dựng nên một nền văn hóa nội bộ riêng biệt cho mỗi tổ chức, doanh nghiệp. Mỗi thành viên trong tổ chức, doanh nghiệp chính là một hình ảnh thu nhỏ của tổ chức, doanh nghiệp đó. Bởi vậy, các thành viên trong doanh nghiệp phải cùng chung tay và ý thức được tầm quan trọng của mình trong việc góp phần xây dựng và củng cố giá trị văn hóa doanh nghiệp. Việc sử dụng “sức mạnh văn hóa” sẽ mang lại hiệu quả về mặt dài hạn và tiết kiệm rất nhiều chi phí khi xây dựng hình ảnh doanh nghiệp.
Thứ hai, tạo luồng thông tin xuyên suốt.
Người làm marketing nội bộ chính là đầu mối thông tin của mỗi doanh nghiệp, tổ chức. Khối lượng thông tin hàng ngày của các tổ chức, doanh nghiệp là rất nhiều, do đó, marketing nội bộ sẽ giúp kết nối lãnh đạo và nhân viên, để thông tin được truyền tải nhiều đối tượng. Các thông tin sẽ giúp lãnh đạo nắm được tổng quan tình hình hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời nắm bắt được những suy nghĩ, chia sẻ của nhân viên. Còn nhân viên cấp dưới có cơ hội được lắng nghe, giải đáp thắc mắc và cảm nhận giá trị của bản thân và những cố gắng của mình được công nhận, giúp thúc đẩy phát triển những giá trị tích cực, làm giảm bớt tiêu cực của cá nhân.
Thứ ba, giữ chân nhân tài.
Doanh nghiệp, tổ chức nào cũng luôn mong muốn tìm kiếm được nguồn nhân lực ưu tú, nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất cho công ty, doanh nghiệp của mình. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian dài làm việc, việc nhân viên giỏi “nhảy việc”, tìm kiếm môi trường làm việc tiềm năng khác đã và đang trở thành mối quan tâm của nhiều nhà lãnh đạo. Để khắc phục được hiện trạng “mất mát” đó, người quản lý nên nắm rõ nghệ thuật “giữ chân” nhân viên giỏi cần thiết. Do đó, môi trường làm việc thân thiện, gắn bó giữa các cá nhân lại trở thành điểm cộng để nhân viên quyết định gắn bó với công ty thay vì đầu quân sang đơn vị khác. Chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng cho thấy việc doanh nghiệp đó đang thực sự coi trọng nhân viên của mình.
Thứ tư, đẩy mạnh dịch vụ khách hàng.
Một khái niệm nổi tiếng về marketing nội bộ, đặc biệt là với doanh nghiệp làm dịch vụ, đó là “Mỗi khách hàng không chỉ trải nghiệm sản phẩm/dịch vụ của công ty dựa trên giá trị vật chất, mà còn ở chính người truyền tải sản phẩm/dịch vụ đó”. Mỗi nhân viên của công ty – khi tương tác với khách hàng – đều sẽ làm tăng hoặc giảm giá trị của sản phẩm/dịch vụ cung cấp.
Bởi vậy, nếu công ty làm tốt việc truyền thông giá trị sản phẩm và văn hóa doanh nghiệp đến mỗi nhân viên, bản thân nhân viên đó sẽ trở thành một marketer giúp truyền thông doanh nghiệp một cách chân thực nhất. Apple là một điển hình toàn cầu về khái niệm “marketer”. Văn hóa doanh nghiệp của Apple là sự độc đáo và chuyên môn. Họ không ngừng quảng bá văn hóa này, ngay những khâu chọn lọc ứng viên và đào tạo ban đầu. Apple thực hiện vô cùng kỹ càng để đảm bảo cho mọi nhân viên – đặc biệt là những người làm việc trực tiếp với khách hàng – thể hiện chính xác hình ảnh doanh nghiệp. Mỗi khách hàng khi đến Apple Store đều biết rằng nhân viên bán hàng là những chuyên gia về sản phẩm của họ và luôn có phản hồi tốt về công ty.
Tại Việt Nam, FPT là doanh nghiệp chú trọng đầu tư cho hoạt động marketing nội bộ. Mỗi FPTer đều mang trọng trách là hình ảnh đại diện cho FPT, văn hóa FPT.
3. Phạm vi của marketing nội bộ
Nhà quản trị marketing có nhiều mức độ vận dụng marketing nội bộ trong quá trình thực hiện kế hoạch marketing: tập trung vào sự phát triển và đưa ra những tiêu chuẩn cao trong chất lượng dịch vụ và sự thỏa mãn của khách hàng; quan tâm đến sự phát triển của các chương trình truyền thông nội bộ cung cấp cho cán bộ công nhân viên những thông tin cần thiết và có được sự ủng hộ của họ; Marketing nội bộ được sử dụng như một phương pháp có hệ thống trong quản trị sự chấp nhận những cải tiến trong doanh nghiệp; Marketing nội bộ liên quan đến việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho những người sử dụng bên trong công ty và kế hoạch marketing. Ngoài ra, marketing nội bộ cũng chính là một chiến lược thực hiện các kế hoạch marketing.
Marketing nội bộ và chất lượng dịch vụ: Nội dung của marketing nội bộ thường được thấy trong các chương trình đào tạo chăm sóc khách hàng và các hoạt động tương tự.
Từ các qui trình và rào cản nội bộ cho thấy sự cần thiết phải cân nhắc cả môi trường nội bộ và môi trường bên ngoài trong việc đo lường sự thỏa mãn của khách hàng và triển khai các hệ thống quản lí.
Để đạt được những mức độ mục tiêu khác nhau về dịch vụ và sự thỏa mãn của khách hàng, đòi hỏi những nhà quản lí và nhân viên phải có sự thay đổi trong cách làm việc và thậm chí cả sự hi sinh dù họ không muốn.
Trên thực tế, cần có một chương trình marketing nội bộ được lên kế hoạch và kết cấu chặt chẽ để đạt được việc thực hiện đo lường và quản trị sự thỏa mãn của khách hàng một cách hiệu quả. Cần hiểu rõ mối quan hệ giữa sự thỏa mãn của khách hàng nội bộ và khách hàng bên ngoài.
Marketing nội bộ và truyền thông nội bộ: Cũng như việc đào tạo chăm sóc khách hàng và tập trung vào chất lượng dịch vụ, marketing nội bộ được xem như là các phương tiện truyền thông nội bộ.
Các dạng thức marketing nội bộ bao gồm: Các bản tin định kì của công ty, các cuộc thảo luận và khóa đào tạo nhân viên, thảo luận, hội thảo trực tuyến, các kênh truyền hình, video tương tác, email,…
Việc xây dựng kênh đối thoại trong nội bộ và khuyến khích sự tham gia của cán bộ nhân viên ngày càng sâu hơn vào các cách tiếp cận như viết blogs hay bản tin nội bộ trên website của doanh nghiệp.
Các kĩ thuật truyền đạt này rất quan trọng, nhưng cũng có nguy cơ không kiểm soát được. Việc thông báo và hướng dẫn nhân viên về sự phát triển chiến lược không giống với việc giành được sự quan tâm và tham gia của họ.
Truyền thông là một qui trình hai chiều – lắng nghe và truyền đạt. Điều này có thể giải thích tại sao truyền thông nội bộ lại không hiệu quả ở một số công ty. Nếu các chương trình truyền thông nội bộ chỉ đơn thuần là truyền đạt và thuyết phục chứ không lắng nghe thì chỉ được gọi là “bán hàng” nội bộ thôi, chứ chưa phải là marketing nội bộ.
Marketing nội bộ và quản trị sự đổi mới: Nhà quản trị marketing cũng cần áp dụng các công cụ phân tích và lập kế hoạch marketing để giải quyết cũng như ngăn ngừa sự phản kháng, quản lí qui trình của sự thay đổi trong doanh nghiệp.
Điều này có thể và đặc biệt quan trọng khi mà hiệu quả của chiến lược marketing phụ thuộc vào việc ứng dụng các công nghệ và các cách thức làm việc mới. Bởi vì, các cá nhân trong doanh nghiệp là nguồn của những ý tưởng và cải tiến.
Marketing nội bộ chiến lược: Trên thực tế, nhà quản trị marketing xem chương trình marketing nội bộ không chỉ là đầu ra của qui trình lên kế hoạch và chương trình marketing đối ngoại, mà còn là dữ liệu đầu vào.
Những phân tích về thị trường nội bộ giúp nhà quản trị marketing có thể đề xuất các cơ hội mới và các tài nguyên, nguồn lực marketing mà doanh nghiệp đã bỏ qua cần được khai thác. Chính những điều này có thể gây ảnh hưởng lên kế hoạch marketing đối ngoại và theo đó là lên quá trình lập kế hoạch.
4. Giải pháp để xây dựng chiến lược marketing nội bộ hiệu quả
Thứ nhất, cần phát triển chiến lược marketing nội bộ cụ thể: Bên cạnh các chiến lược tiếp thị bên ngoài, thì các chiến lược marketing nội bộ quyết định mức độ thành công của doanh nghiệp. Do đó, mỗi năm, nhóm marketing nội bộ cần xây dựng chiến lược phát triển cho doanh nghiệp cụ thể như nhiệm vụ hay tầm nhìn của doanh nghiệp? Văn hóa mà doanh nghiệp muốn có? Làm thế nào để tất cả mọi người trong doanh nghiệp có thể giao tiếp với nhau? Những chương trình đào tạo và phát triển nhân sự?
Thứ hai, xây dựng nền văn hóa “đặc trưng – dễ hiểu”: Mỗi doanh nghiệp, tổ chức đều có những nét đặc trưng. Mỗi tổ chức sẽ có những nét văn hóa khác nhau, tượng trưng cho cách thức mà doanh nghiệp hoạt động hằng ngày. Văn hóa doanh nghiệp không nhất thiết phải độc nhất nhưng phải dễ hiểu và dễ thực hiện. Hãy lưu ý, muốn xây dựng một chiến lược marketing nội bộ hiệu quả, hãy đảm bảo mọi người đều có thể “follow” trong tâm trạng thoải mái nhất.
Thứ ba, luôn giao tiếp: Giao tiếp là cách để mọi người xích lại gần nhau hơn, ngay cả trong đời sống lẫn công việc. Nếu không tương tác, trao đổi hay chia sẻ thì văn hóa nội bộ không thể phát huy hết mọi chức năng của nó.
Thứ tư, giúp nhân viên luôn vui vẻ: Marketing nội bộ cần tạo một bầu không khí vui vẻ, thoải mái. Hãy để những ngày làm việc trở thành những ngày vui trong cuộc sống hằng ngày của mỗi nhân viên.
Thứ năm, tận dụng công cụ giao tiếp trực tuyến: Lãnh đạo có thể trao đổi với nhân viên mọi vấn đề ngay cả khi họ không mặt tại văn phòng bằng các ứng dụng chat hoặc gọi video trực tuyến, như: Facebook, Skype,…Đây còn được gọi là phương thức truyền thông vừa tiết kiệm chi phí truyền thông mà vẫn đảm bảo sự kết nối giữa mọi người.
Thứ sáu, sử dụng mạng nội bộ: Mạng xã hội được xem là công cụ hiện đại nhất, tối ưu nhất và tiết kiệm nhất khi các nhân viên muốn trao đổi công việc bất cứ nơi đâu, khi nào. Những phần mềm như Zalo, Messenger, Viber,…đều mang nhiều tính năng hỗ trợ tối đa cho việc quản lý hiệu suất công việc, giúp tăng tương tác giữa các nhân viên và minh bạch hóa mọi thông tin.
Các Marketers nội bộ cũng có thể tận dụng mạng xã hội bằng cách gửi lời chúc mừng sinh nhật đến nhân viên, gửi lời chúc ngày 8/3, ngày 20/10 đến nhân viên nữ, gửi lời mời dự tiệc của công ty, thông báo lương tháng,…những hạng mục không thể thiếu trong quá trình chăm sóc nhân viên.
Thứ bảy, tích hợp Marketing với Smartphone: Hãy đảm bảo cổng thông tin doanh nghiệp có thể truy cập được cả trên smartphone để nhân viên nhận ngay được thông tin khi có sự kiện mới. Hiện nay, có 3 cách gửi thông tin đến nhân viên là trang Fanpage, Website doanh nghiệp và tin nhắn SMS. Đội ngũ truyền thông cũng cần cập nhật thông tin thường xuyên để tăng thêm tính tương tác với nhân viên.
Thứ tám, sử dụng kênh video truyền thông: Những đoạn ghi hình ngắn về các hoạt động ngoại khóa của công ty, phỏng vấn CEO, hoặc cận cảnh công việc thường ngày trong văn phòng,…kèm nhạc dạo dễ nghe, giúp người nghe có thêm năng lượng làm việc. Bằng hình ảnh và âm thanh thực tế sống động lôi cuốn người xem, video là phương thức tiếp cận nhân viên tốt nhất. Các nhà truyền thông nội bộ thường tận dụng cách này, giúp nhân viên có nhiều động lực sau những giờ làm việc mệt mỏi.
Thứ chín, tổ chức sự kiện, hoạt động ngoài trời: Các chuyến du lịch, nghỉ mát, hoạt động ngoại khóa của công ty luôn là dịp được nhân viên mong chờ nhất. Tổ chức sự kiện sẽ là thời điểm lý tưởng để các nhân viên trao đổi thông tin, tăng thêm phần gắn bó. Qua đó, họ dễ dàng hiểu nhau hơn, cả về đời sống lẫn công việc hằng ngày.
Thứ mười một, cần có các buổi chia sẻ của lãnh đạo: Hoạt động marketing nội bộ giúp xóa khoảng cách giữa nhân viên và lãnh đạo, giúp mọi người cảm thấy mình được trân trọng. Việc tổ chức các buổi chia sẻ của lãnh đạo sẽ giúp nhân viên có cơ hội gần gũi hơn, hiểu hơn, cũng như được giao tiếp trực tiếp hơn với lãnh đạo của mình.
Thứ mười hai, cần có trang tin nội bộ: Đây là hình thức phổ biến nhằm xây dựng luồng thông tin xuyên suốt trong mỗi doanh nghiệp, tổ chức. Trang tin có thể dưới hình thức: tạp chí nội bộ hàng tháng, bảng tin treo ở công ty, email newsletter nội bộ,…Trong đó sẽ cập nhật những thông tin mới nhất của tổ chức, đồng thời tổ chức hoạt động nhằm khuyến khích sự tham gia trực tiếp của nhân viên như chơi trò chơi, đóng góp bài viết,…
Thứ mười ba, cần có chính sách phúc lợi: Những chế độ phúc lợi mang tính bắt buộc như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã trở nên quá quen thuộc và không mấy tác dụng trong việc động viên khuyến khích nhân viên. Trong thời gian gần đây, một số công ty tại Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến việc mua bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên. Ví dụ tại Công ty TMA Solutions, hàng năm chi phí đóng bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên vào khoảng 1,1 tỉ đồng cho khoảng gần 400 nhân viên (mệnh giá 100 triệu đến 600 triệu đồng – tùy vị trí) và sau 10 năm đóng phí liên tục thì số tiền tích lũy được trong hợp đồng sẽ là tài sản của nhân viên. Trong khối các công ty dược phẩm, sữa,…có vốn đầu tư nước ngoài, việc mua bảo hiểm y tế Aon đã trở thành một trong những điểm mạnh để công ty thu hút nhân tài. Theo đó, công ty sẽ hỗ trợ đóng phí bảo hiểm y tế không chỉ cho bản thân nhân viên mà còn cho cả người thân trong gia đình. Lợi ích mà nhân viên có được là sự an tâm về sức khỏe cho mình và người nhà, để họ có thể an tâm cống hiến cho công việc.
Nhiều công ty còn tận dụng lợi thế kinh doanh của ngành để dành cho nhân viên những chính sách phúc lợi hấp dẫn. Các công ty bất động sản, xây dựng thường dành một phần quỹ đất để đáp ứng nhu cầu của cán bộ công nhân viên với mức giá hấp dẫn. Các ngân hàng có nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ thường có chính sách ưu đãi cho nhân viên vay ngoại tệ để kinh doanh trong một thời hạn nhất định. Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Agribank, nhân viên được phép vay vàng miếng để kinh doanh mà không cần thế chấp tài sản.
Bên cạnh những chế độ phúc lợi có tính vật chất, những hoạt động mang tính động viên tinh thần nhân viên như tham quan, dã ngoại, sinh hoạt tập thể không chỉ khơi dậy niềm hưng phấn trong công việc của nhân viên, mà còn là những dịp gắn bó quan hệ, nâng cao tinh thần đồng đội của các nhân viên trong công ty.
Thứ mười bốn, cần có môi trường làm việc tốt: Môi trường làm việc tốt sẽ là động lực quan trọng để khai thác tối đa hiệu quả làm việc của nhân viên. Tạo lập một môi trường làm việc tiên tiến không chỉ là việc sắp xếp không gian và điều kiện làm việc hợp lý mà còn là việc tổ chức quy chế, cách thức chỉ đạo trong công việc sao cho nhân viên phát huy hết khả năng cả trong công tác độc lập lẫn làm việc theo nhóm.
Môi trường làm việc còn bao gồm cả danh tiếng và văn hóa công ty. Không có gì lạ khi những công ty ít có biến động về nhân sự nhất là những công ty danh tiếng và có văn hóa công ty tiêu biểu. Bốn đại gia thuộc nhóm Big Four bao gồm Deloitte Touche Tohmatsu, Ernst & Young, KPMG và PricewaterhouseCoopers được biết đến là những doanh nghiệp thành công nhất trong việc tạo lập môi trường làm việc lý tưởng để khai thác tối đa hiệu quả làm việc của nhân viên. Chính điều đó đã giúp cho Big Four luôn duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình 15% – 20%/mỗi năm – một sự tăng trưởng ấn tượng so với mức tăng trưởng bình quân trong ngành kiểm toán là 5% mỗi năm.
5. Kết luận
Marketing nội bộ không còn là khái niệm mới ở các tổ chức, doanh nghiệp. Marketing nội bộ ngày càng trở thành hoạt động quan trọng tại các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp, tổ chức ít hoặc không quan tâm đến marketing nội bộ sẽ dẫn đến mất liên kết và không làm thỏa mãn nhân viên – là những “khách hàng thân thiết”, là giá trị cốt lõi tạo nên sản phẩm, dịch vụ chất lượng hàng đầu của doanh nghiệp. Thực hiện tốt marketing nội bộ sẽ thu hút, gắn kết, tạo động lực và phát triển mối quan hệ đồng nghiệp trong doanh nghiệp.
Thực hiện marketing nội bộ tốt sẽ mang lại cho công ty những lợi thế lớn về quản trị nhân sự. Tuy nhiên, đó không phải là “thần dược” để giải quyết tất cả các vấn đề của công ty. Marketing nội bộ chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi được thực hiện trong mối tương quan tốt với các biện pháp quản trị khác của công ty.
(Nguồn: Tạp Chí Công Thương)